Thân thế Lâm Đại Ngọc

Một bức tranh khắc gỗ thời Thanh vẽ cảnh Đại Ngọc chôn hoa

Theo huyền thoại mở đầu tác phẩm qua lời của Không Không Đại sư trong mộng ảo của Chân Sỉ Ẩn:

Bên bờ sông Linh Hà ở Tây phương, bên cạnh hòn đá Tam Sinh có một cây Giáng Châu được Thần Anh làm chức chầu chực ở cung Xích Hà ngày ngày lấy nước cam lộ tưới bón cho nó mới tươi tốt sống lâu. Đã hấp thụ tinh hoa của trời đất, lại được nước cam lộ chăm bón, cây Giáng Châu thoát được hình cây, hóa thành hình người, tu luyện thành người con gái, suốt ngày rong chơi ngoài cõi trời Ly Hận đói thì ăn quả "Mật Thanh" khát thì uống nước bể "quán sầu". Chỉ vì chưa trả được ơn bón tưới, cho nên trong lòng nó vẫn mắc mứu, khi nào cũng cảm thấy như còn vương một mối tình gì đây. Gần đây, Thần Anh bị lửa trần rực cháy trong lòng, nhân gặp trời đất thái bình thịnh vượng muốn xuống cõi trần để qua kiếp "ảo duyên", nên đã đến trước mặt vị tiên Cảnh ảo ghi sổ. Cảnh ảo liền hỏi đến mối tình bón tưới, biết chưa trả xong, muốn nhân đó để kết liễu câu chuyện. Nàng Giáng Châu nói: "Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới trang trải xong!". Vì thế dẫn ra bao nhiêu oan gia phong lưu đều phải xuống trần, để kết liễu án đó

Cây thiêng giáng trần thành Lâm Đại Ngọc. Sinh nhật nàng rơi vào tháng Hai âm lịch – mùa xuân cây cỏ đâm chồi, cũng là ứng với giai đoạn "thủy sinh mộc" trong năm. Khi mới xuất hiện, dáng vẻ Đại Ngọc cũng phảng phất vẻ yêu kiều của hoa cỏ: "Vẻ thư nhàn, hoa rọi mặt hồ. Dáng đi đứng, liễu nghiêng trước gió." Đại Ngọc là con gái của Lâm Như Hải và Giả Mẫn. Lâm Như Hải là người Cô Tô, đỗ Thám hoa, bổ là Tuần diêm ngự sử thành Duy Dương, mất năm Đại Ngọc khoảng 14 tuổi. Giả Mẫn vốn là con út của Giả Đại Thiện và Sử Thái Quân phủ Vinh Quốc, em ruột của Giả Xá, Giả Chính, mất năm Đại Ngọc mới 5 tuổi. Tiền kiếp của Bảo Ngọc và Đại Ngọc gặp nhau bên hòn đá Tam Sinh (ba kiếp) ám chỉ tình duyên của đôi trai gái này sẽ phải trải qua ba lần đầu thai mới có thể ở bên nhau. Khi Bảo Ngọc và Đại Ngọc gặp nhau mới là kiếp thứ hai, vì vậy số mệnh buộc phải chia lìa. Tiền kiếp của Đại Ngọc rong chơi ở tầng trời Ly Hận (hận vì phải xa nhau), ăn quả Mật Thanh (điều bí mật), uống nước bể Quán Sầu (nước để tưới sự buồn), tất cả đều báo trước cuộc tình thê thảm của nàng.

Khi tái sinh ở kiếp này, Đại Ngọc đầu thai làm con của Lâm Như Hải vùng Dương Châu nhiều sông nước, chữ Hải trong tên ông cũng có nghĩa là biển cả. Nàng tới Giả phủ trên một chiếc thuyền xuôi dọc dòng sông, và trở về quê (khi đã chết) cũng bằng đường thủy, có thể nói là Đại Ngọc đến và đi như cánh hoa trôi theo dòng nước. Loài hoa ứng với nàng chính là thủy phù dung (hoa sen) mềm mại, khiến hình dung của người đọc về Đại Ngọc chẳng khác nào một nữ thủy thần.

Những bài thơ của Đại Ngọc dần chuyển hướng từ hoa tươi cỏ thắm đến tro tàn, khói bay khi nàng sắp lìa đời. Ngoài ra, khi làm thơ dựa theo Nam Hoa kinh, Bảo Ngọc đã viết: "... dùng tàn tro lấp khiếu thông minh của Đại Ngọc". Ngay ở chương sau, Đại Ngọc lại làm bài thơ đố đèn với những câu:

Áo chầu đầy khói để ai mang?

Đàn đấy, chăn đây, luống bẽ bàng,

Chú lính sớm không cần đếm thẻ,

Chị hầu đêm cũng biếng thêm hương,

Vùi đầu trải biết bao hôm sớm,

Đốt ruột không nài mấy tuyết sương,

Thấm thoát bóng xuân đà đáng tiếc,

Kể gì thay đổi cuộc tang thương.

Đây chính là cái đèn canh hương, một thứ "đồng hồ" sơ khai đánh dấu bằng cách đốt các loại hương trầm. Bài thơ thất ngôn với những chi tiết ảm đạm khiến Giả Chính lo rằng Đại Ngọc sẽ không phải là người được hưởng phúc về sau. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đại Ngọc ra lệnh đốt lò than để thiêu hủy hết những di vật của tình yêu: tập thơ, khăn tay. "Can hỏa bốc lên" khiến đôi má nàng ửng đỏ. Liền ngay sau đó, Đại Ngọc qua đời. Số phận của Đại Ngọc giống như loài thảo mộc: sinh ra vào mùa xuân, rực rỡ về mùa hạ, tàn héo vào mùa thu.

Liên quan